Trà Ôlong – Sản phẩm tiêu biểu của Lâm Đồng

Lâm Đồng là tỉnh đứng đầu trong cả nước về diện tích và sản lượng trà – gần 24.000ha và 230.000 tấn. Không chỉ thế, trong các sản phẩm nông nghiệp, trà Oolong còn được xem là một trong những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng. Cho dù có những thăng trầm nhất định nhưng Oolong vẫn luôn là sản phẩm rất đáng tự hào của tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên – nơi thiên nhiên có những ưu đãi đặc biệt để trồng và chế biến trà Oolong.
Xuất phát từ vùng núi Long Tĩnh của Trung Quốc, sau đó ô long được du nhập sang Đài Loan và phát triển cực thịnh nên nổi tiếng khắp thế giới. Ở Việt Nam, bài thơ “Thanh trà giải nhiệt” của danh sỹ thế kỷ 19 Đặng Huy Trứ như một “chỉ dẫn địa lý”: “… Đầy vườn tươi tốt lá chè xanh/Ngắt hái vò phơi sẵn để dành/Nhắn bảo cố đô bao thượng khách/Ô long có ở nước Nam mình”. Song, chiến tranh đã khiến cho chuyện “Ngắt hái vò phơi…” bị ngưng trệ. Mãi đến đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, một vài thương nhân xứ trà ô long Đài Loan đến Lâm Đồng tìm cơ hội làm ăn và “câu chuyện trà ô long” của Việt Nam mới được khơi dậy. Và, sang Việt Nam, những thương nhân Đài Loan này đã chọn vùng Cầu Đất của TP Đà Lạt để trồng một số giống chè mới để chế biến trà ô long.

Với độ cao trên 1.600m (cao hơn độ cao trung bình của Đà Lạt) so với mặt nước biển và với nhiệt độ cũng thấp hơn Đà Lạt từ 1 – 2 độ, Cầu Đất chính là vùng đất lý tưởng cho các giống trà cao cấp như thúy ngọc, thanh tâm, kim xuyên, tứ quý… đứng chân”. Ngược về lịch sử xa hơn, không phải ngẫu nhiên khi mang giống cây trà sang Việt Nam vào những năm cuối 20 của thế kỷ trước, người Pháp đã chọn vùng đất Cầu Đất của Lâm Đồng làm đất đứng chân cho loại cây này. Rồi, sau gần 70 năm, khi các thương nhân Đài Loan tìm đến Việt Nam, họ cũng đã chọn vùng đất Cầu Đất cho cây chè hẳn không chỉ vì sự tình cờ. Và, quan trọng hơn, không chỉ Cầu Đất của Đà Lạt mà ở Lâm Đồng, đất đứng chân cho các giống chè để chế biến trà ô long còn là Bảo Lộc, Bảo Lâm, Lâm Hà… với minh chứng là hiện có đến vài chục danh trà (nhà đầu tư) đã ăn nên làm ra bằng sản phẩm ô long được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới.

Sau khi đứng chân trên vùng đất Cầu Đất vào năm 1927, cây trà bắt đầu dịch chuyển xuống vùng Blao (Bảo Lộc), Di Linh… vào những năm trước và sau 30 của thế kỷ trước. Thế rồi như một duyên định, sau vài chục năm, Trường Tín – một công ty chuyên trồng, sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực trà và cà phê – đã chọn đất Bảo Lộc để phát triển các loại trà cao cấp ngọc thúy, kim xuyên, thanh tâm, tứ quý, thúy ngọc… để chế biến trà ô long cũng nức tiếng không kém các sản phẩm trà có xuất xứ từ Cầu Đất.

Nói về định hướng phát triển ngành trà, Lâm Đồng phấn đấu trở thành trung tâm chè của Việt Nam; trong đó, vùng chè ô long có năng suất cao nhất thế giới. Ông Phạm S giải thích thêm: Trên thế giới, cây chè ô long có chủ yếu ở Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam. Ở Trung Quốc và Đài Loan, cây chè ô long đạt năng suất trung bình là 8 tấn/ha, cao nhất là 12 tấn/ha; nhưng ở Lâm Đồng của Việt Nam, cây chè ô long đã đạt đến mức 18 tấn/ha. Vấn đề lúc này là cần nâng cao chất lượng của sản phẩm trà ô long của Việt Nam nói chung và Lâm Đồng để sản phẩm này có đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0965.639.155

Contact Me on Zalo
1
Bạn cần hỗ trợ?